Marketing truyền thống là một “mảnh ghép” quan trọng trong hoạt động tiếp thị tổng thể của rất nhiều doanh nghiệp, công ty. Tất nhiên, nó cũng thường được đưa ra để phân biệt, so sánh với hoạt động marketing hiện đại đang phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ rất lớn của công nghiệp 4.0. Với nhiều người những gì đã thuộc về truyền thống thì đều gắn liền với lạc hậu, lỗi thời.
Chưa kể, sự xuất hiện của marketing hiện đại đang có phần “áp đảo” marketing truyền thống trên nhiều khía cạnh. Nên đây cũng là lý do vì sao, rất nhiều bạn sẽ không khỏi băn khoăn, đắn đo với việc có nên triển khai marketing truyền thống trong thời đại công nghệ số 4.0 hiện nay không.
Marketing truyền thống là gì?
Đối với các Marketers thì có lẽ câu hỏi “Marketing truyền thống là gì?” rất đơn giản, bởi đây là thuật ngữ mà ngay từ những ngày đầu là “lính mới” họ đã phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Nhưng với những người “ngoại đạo” như chúng ta thì không phải ai cũng biết đến định nghĩa chính xác của thuật ngữ này. Chưa kể, ngành Marketing ngày càng phát triển, tăng trưởng nhanh chóng cùng với sự hỗ trợ của ngành công nghệ nên rất hiều phương thức, công cụ mới được ra đời. Vì vậy, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khái niệm mới được hình thành và không tránh khỏi việc nhầm lẫn.
Theo đó, marketing truyền thống vẫn đề cập tổng hợp đến các hoạt động, phương thức tiếp thị, tiếp cận, thu hút khách hàng tiềm năng để nâng cao tỷ lệ mua sắm, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của marketing truyền thống chính là không triển khai trên các nền tảng Internet, kỹ thuật số. Hình thức tiếp thị này còn được hiểu trên hai phương diện khác nhau, một là marketing thông qua các phương tiện truyền thống như tivi, radio, báo in,… Hai là marketing sẽ chú trọng vào các hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm. Tức là sau khi có sản phẩm, dịch vụ cụ thể thì doanh nghiệp mới tiến hành marketing.
Khái niệm này xuất hiện cũng để phân biệt một cách rõ ràng nhất với marketing hiện đại – với việc tiến hành tiếp thị thông qua các nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số. Tất nhiên, so về “tuổi tác” thì marketing truyền thống xuất hiện trước và đã được sử dụng rộng rãi từ trước đó. Tuy nhiên, trước khi có các hình thức tiếp thị hiện đại thì người ta chỉ gọi chung các hình thức truyền thống này là marketing đơn thuần mà không có sự phân biệt nào.
Đặc điểm của marketing truyền thống
Nếu chỉ dựa trên một khái niệm ngắn gọn như trên, thì rất khó để chúng ta có thể hiểu rõ nhất về marketing truyền thống là gì. Nhất là đối với những bạn lần đầu tiên tìm hiểu về thuật ngữ này, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong ngành tiếp thị. Vì vậy, để hiểu rõ hơn hãy tìm hiểu về những đặc điểm của phương thức marketing này. Ngoài đặc trưng nổi bật nhất, giúp bạn phân biệt nhanh chóng với marketing hiện đại là không sử dụng các nền tảng kỹ thuật số và Internet ra thì marketing truyền thống còn có bốn đặc điểm như sau:
Thứ nhất: Marketing truyền thống sẽ được các doanh nghiệp triển khai sau khi đã sản xuất xong. Tức là đã có sản phẩm, dịch vụ cụ thể sau đó mới tiến hành việc tìm kiếm thị trường. Các chiến lược, chiến dịch được đưa ra đều nhắm đến mục tiêu bán được sản phẩm, dịch vụ đã có.
Thứ hai: Marketing truyền thống sẽ không mang tính hệ thống cao, tất cả các hoạt động được xây dựng đều diễn ra trên một thị trường – phân khúc. Đồng thời nó chỉ thuộc về một khâu trong quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp và cụ thể là khâu lưu thông hàng hóa. Như vậy, marketing truyền thống sẽ dựa vào việc nghiên cứu thị trường hiện tại mà không đưa ra được các dự đoán tương lai.
Thứ ba: Marketing truyền thống hướng đến việc tối ưu hóa thị phần của mình thông qua cơ sở khối lượng tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nó có thể thực hiện được hoặc là không, khi không có cơ sở xác thực rõ ràng.
Thứ tư: Marketing truyền thống sử dụng các hình thức tiếp cận trực tiếp với phân khúc rộng rãi cùng mối quan hệ chặt chẽ được thiết lập giữa người phân phối và khách hàng.
Marketing truyền thống còn tồn tại không?
Ngay lúc này, nhiều bạn sẽ cho rằng marketing truyền thống đã không còn tồn tại. Nhất là với sự “áp đảo”, lớn mạnh của marketing hiện đại cùng với quan điểm truyền thống thì sẽ lạc hậu, không hiệu quả. Hơn thế, ngành marketing, truyền thông trước kia luôn đòi hỏi một số ngân sách rất lớn. Đó cũng chính là điều khiến các nhà làm tiếp thị, chủ doanh nghiệp luôn phải e dè. Thậm chí, bạn sẽ thấy rất nhiều doanh nghiệp và nhất là những doanh nghiệp startup, nhỏ và vừa hiện nay gần như đều “không động” đến marketing truyền thống. Thay vào đó, họ sử dụng các hình thức, công cụ marketing hiện đại 100% để tiếp cận, truyền tải các thông điệp đến khách hàng mục tiêu của mình.
Vì vậy, nhiều người hiện nay đặt ra câu hỏi rằng liệu marketing truyền thống còn tồn tại không? Tất nhiên, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang có xu hưởng đổi mới theo hiện đại. Loại bỏ đi những gì thuộc về truyền thống với vô số những hạn chế, nhược điểm không thể khắc phục. Tiến đến việc sử dụng các công cụ, phương án hiện đại hơn nhằm tối ưu chi phí, thời gian cùng các nguồn lực khác. Quan trọng hơn cả, các mục tiêu điều đảm bảo và mức độ hiệu quả thậm chí còn được nâng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, marketing thì lại có những đặc điểm hoàn toàn khác biệt và marketing truyền thống vẫn tồn tại cho đến thời điểm hiện tại. Thậm chí, trong suốt thời gian dài phía trước, phương thức này vẫn sẽ được nhiều đơn vị sử dụng cho các mục đích khác nhau của mình.
Ưu, nhược điểm của marketing truyền thống
Nếu như bạn đã thực sự hiểu rõ về khái niệm của marketing truyền thống, tiếp theo hãy cùng chúng tôi đánh giá về từng mặt ưu, nhược điểm của nó nhé. Tất nhiên, để tồn tại đến giờ này thì bản chất nội tại của marketing truyền thống cũng có không ít những “điểm cộng” mà chúng ta không thể phủ nhận. Còn về phần nhược điểm, nếu đánh giá một cách khách quan nhất thì ngay cả marketing hiện đại – xu hướng thời đại công nghệ số cũng đều có những “điểm trừ” mà bạn cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Cả hai phương thức này đều song hành cả ưu, nhược điểm và đó là điều mà chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng.
+ Ưu điểm của marketing truyền thống:
• Marketing truyền thống đã có từ rất lâu, nên hầu hết mọi người đều quen thuộc với các hình thức, công cụ của nó.
• Marketing truyền thống có được độ tin cậy cao và vì thế mà tỷ lệ thành công cũng cao.
• Marketing truyền thống cho phép các doanh nghiệp tạo được tệp khách hàng mới dựa trên các nhân khẩu học khác nhau.
• Marketing truyền thống giúp tiếp cận nhanh chóng tới khách hàng mục tiêu và nhất là khách hàng địa phương khi đã được xác định cụ thể.
• Marketing truyền thống có thể tái sử dụng, tái chế nếu cần thiết đối với các hình thức in ấn.
• Marketing truyền thống không phụ thuộc vào Internet và dù có mất mạng thì bạn vẫn tiếp cận được khách hàng của mình.
+ Nhược điểm của marketing truyền thống:
• Marketing truyền thống sử dụng văn bản tĩnh, đồng nghĩa với việc khi đã xuất bản thì không thể muốn chỉnh sửa là chỉnh sửa được.
• Marketing truyền thống sẽ mất nhiều thời gian hơn để cập nhật thông tin.
• Marketing truyền thống bao giờ cũng “ngốn” nhiều chi phí hơn.
• Marketing truyền thống khó thể đo lường một cách triệt để cho tất cả các chỉ số.
• Marketing truyền thống thường sẽ truyền tải thông tin, thông điệp theo kiểu một chiều.
• Marketing truyền thông không cung cấp được nhiều thông tin cho khách hàng.
Có nên triển khai marketing truyền thống trong thời đại số không?
Trong thời đại số 4.0 hầu hết mọi thứ đều ảnh hưởng, phát triển theo xu hướng chung của thời đại. Các bạn có thể nhìn nhận rất rõ điều này, ngay trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Trước kia để nói chuyện với người thân, bạn bè ở xa chúng ta sẽ gửi thư, gọi điện thoại thông thường hoặc là phải “xách vali lên và đi”. Nhưng ngày nay, dù khoảng cách địa lý có là một vòng trái đất thì bạn chỉ cần có kết nối Internet để video call cho người thân, bạn bè của mình đang ở xa. Ngay cả trong hoạt động tiếp thị, truyền thông hay quảng cáo cũng có rất nhiều sự thay đổi. Internet xuất hiện và kéo theo đó rất nhiều sự đổi mới, điển hình là trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu với các phương thức kỹ thuật số được đánh giá cao về mặt hiệu quả.
Cũng vì vậy, ắt hẳn lúc này nhiều bạn sẽ không khỏi băn khoăn với việc có nên triển khai marketing truyền thông trong thời đại số lúc này hay không? Nhất là với sự xuất hiện của marketing hiện đại hay còn gọi là digital marketing, càng khiến marketing truyền thống bộc lộ nhiều khuyến điểm hơn. Thế nhưng, dù mức độ hiệu quả, khả năng tiếp cận đã bị thu hẹp lại, cũng không đồng nghĩa với việc marketing hiện đại có thể thay thế hoàn toàn marketing truyền thống. Hơn thế, cho đến hiện nay vẫn còn các ngách trên thị trường mà marketing hiện đại vẫn không thể tiếp cận được.
Trong khi đó, tiếp thị truyền thống lại có mặt ở khắp mọi nơi và người tiêu dùng thì đã quá quen thuộc với các hình thức của nó. Nên từ hoạt động kinh doanh, bán hàng cho đến các tổ chức xã hội, chính phủ,… cũng đều sử dụng đến hình thức tiếp thị này để đạt được các mục tiêu mà mình đã đặt ra và mong muốn đạt được. Mặt khác, các bạn cũng có thể thấy rằng, marketing truyền thống luôn nhận được sự tin cậy cao. Chỉ riêng với yếu tố này nó đã trở thành một phương pháp vô cùng hữu ích. Khi bạn đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng mục tiêu, đương nhiên việc chuyển đổi hành vi, tác động vào tâm lý, quan điểm là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Các công cụ marketing truyền thống
Bản thân marketing truyền thống có thể phát huy được những điểm mạnh của mình, mang đến những giá trị thiết thực cho các đơn vị triển khai còn nhờ đến chính những công cụ hữu ích được áp dụng trong suốt quá trình triển khai. Nếu như marketing hiện đại được triển khai thành công nhờ các nền tảng Internet thì tiếp thị truyền thống cũng có “miếng võ” riêng của mình. Theo đó, các công cụ marketing truyền thông được phân tích thành 4 nhóm như sau:
1. In ấn: Công cụ này sẽ bao gồm cả báo giấy, tạp chí, banner, catalog, các tài liệu được in ấn cho mục đích tiếp thị, quảng cáo của các doanh nghiệp. Đây cũng chính là công cụ có thể tái sử dụng, tái chế nếu doanh nghiệp cần thiết để phục vụ cho chiến dịch lâu dài của mình.
2. Thư trực tiếp: Nó không đơn thuần chỉ có thư từ mà còn bao gồm cả tờ rơi, bưu thiếp, các tài liệu được in ấn được gửi trực tiếp đến khách hàng.
3. Broadcast: Có thể nói đây là công cụ sẽ khiến bạn tiêu tốn một khoản tiền không hề nhỏ. Nó bao gồm các quảng cáo được phát sóng trên truyền hình, đài phát thanh và cả những quảng cáo được chiếu trên màn hình các chiếu phim, rạp hát.
4. Điện thoại: Rất nhiều bạn vẫn thường nhầm lẫn, tiếp thị qua điện thoại là marketing hiện đại. Nhưng thực tế thì đây lại là một công cụ được sử dụng trong marketing truyền thống rất nhiều, điển hình là bằng cách gọi điện để tư vấn, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng tiềm năng.
Các phương pháp marketing truyền thống
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tiếp thị, truyền thông cũng như quảng cáo. Marketing truyền thống còn được xây dựng với các phương pháp khác nhau và cho đến nay vẫn có không ít phương pháp được đánh giá cao, sử dụng rộng rãi trong chiến lược tiếp thị tổng thể của các doanh nghiệp. Thậm chí, với mức độ hiệu quả vượt bậc nên nhiều người còn cho rằng sẽ thật lãng phí nếu bạn bỏ qua các phương pháp tiếp thị truyền thống đó.
Dù đơn vị của bạn đã bỏ hoàn toàn marketing truyền thống, nhưng ắt hẳn cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những ưu điểm vượt trội của các phương pháp tiếp thị truyền thống. Vì vậy, dù thuộc về truyền thống nhưng các phương pháp này “tỏa sáng” khi được sử dụng đúng lúc. Sau đây, hãy cùng chúng tôi “điểm danh” các phương pháp marketing truyền thống cho đến nay vẫn được đánh giá cao về mặt hiệu quả và vẫn còn được nhiều đơn vị sử dụng nhé.
• Quảng cáo thông qua báo chí
• Tiếp thị bằng biển quảng cáo
• Marketing bằng phương pháp truyền miệng
• Quảng cáo, tiếp thị trực tiếp tại cửa hàng
• Quảng cáo, tiếp thị bằng thư trực tiếp
• Quảng cáo ngoài trời
• Marketing thông qua điện thoại
• …
So sánh marketing truyền thống và hiện đại
Marketing truyền thống và hiện đại hay marketing truyền thống và digital marketing vẫn thường được ví vui rằng là hai chiến tuyến đối đầu nhau. Chúng có những định hướng, quản điểm tiếp thị rất khác nhau. Marketing truyền thống được ra đời trước và được coi là nền tảng để phát triển marketing hiện đại. Vậy trong thời điểm hiện tại đâu là sự lựa chọn tốt nhất? Hãy cùng so sánh đôi chút để có đáp án đúng nhất nhé. Nếu xét trên mặt ưu, nhược điểm thì cả hai đều tồn tại song song cả hai khía cạnh này.
Bỏ qua ưu, nhược điểm của marketing truyền thống vì chúng ta đã đề cập đến ở phần trên thì sau đây là ưu, nhược điểm của marketing hiện đại.
+ Ưu điểm của marketing hiện đại:
• Tiếp cận được đông đảo khách hàng tiềm năng trên nhiều kênh khác nhau.
• Chi phí quảng cáo, marketing đỡ tốn kém hơn.
• Sở hữu nhiều công cụ hỗ trợ tiện lợi, thông minh.
• Bắt kịp với xu hướng của thời đại.
• Đo lường được hiệu quả chiếc lược marketing với các công cụ, chỉ số chi tiết.
+ Nhược điểm của marketing hiện đại:
• Phần lớn các chương trình đều mang tính chất tạm thời.
• Rất dễ khiến khách hàng cảm thấy bị làm phiền, khó chịu.
• Liên tục phải cải tiến, thay đổi phương pháp, công cụ.
Xét một cách khách quan, marketing truyền thống hay marketing hiện đại đều có những điểm tốt và chưa tốt. Quan trọng, làm sao doanh nghiệp biết khai thác những điểm tốt và hạn chế tối đa nhất những điểm chưa tốt. Ngoài ra, sẽ hiệu quả hơn nhất là khi doanh nghiệp biết cách kết hợp cả hai phương thức này một cách hài hòa trong chiến lược marketing tổng thể của mình.
Với những thông tin về marketing truyền thống được gửi đến trên đây, mong rằng sẽ giúp bạn có những đánh giá, nhận xét chính xác nhất và phương thức tiếp thị này. Là một phương thức đã rất quen thuộc cùng quá trình phát triển lâu dài, nhưng cho đến nay marketing truyền thống vẫn nhận được nhiều đánh giá cao trên các khía cạnh khác nhau. Nên vì vậy, không phải cứ gì truyền thống là phải thay đổi hay không thể sử dụng được nữa.