Kinh doanh theo mô hình Canvas đang là ý tưởng được đánh giá rất cao, ngay cả các “ông lớn” như Google, BMW hay Apple hiện cũng áp dụng và đạt được thành công vang dội. Đây được coi là một trong những mô hình kinh doanh hiện đại, giúp nhà quản lý dễ dàng xác định được các mục tiêu, phương thức và giải pháp hữu ích.
Vậy mô hình kinh doanh Canvas là gì? Làm sao để lập kế hoạch kinh doanh theo mô hình Canvas đạt được hiệu quả cao? Bài viết sau đấy sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.
Mô hình kinh doanh Canvas là gì?
Là một trong những mô hình kinh doanh hiện đại đang nhận được rất nhiều đánh giá cao từ các nhà quản trị, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ mô hình kinh doanh Canvas là gì? Theo đó, mô hình kinh doanh Canvas có tên tiếng Anh là Business Model Canvas viết tắt là BMC hay còn gọi là khung mô hình kinh doanh. Nó được ví như một công cụ tối tân cho việc xây dựng mô hình kinh doanh được Alexander Osterwalder và Yves Pigneur thiết kế. Trong đó sẽ bao gồm 9 thành tố quan trọng, kết hợp lại để tạo thành ưu thế cạnh tranh nổi bật cho các đơn vị.
Đặc biệt, nó sẽ đưa ra một bộ khung – Framework, từ đó giúp chúng ta có thể dễ dàng phát triển mô hình mới. Bởi hầu hết các doanh nghiệp, công ty theo thời gian hoặc đến một thời điểm nhất định đều muốn làm mới mô hình kinh doanh của mình để phù hợp với định hướng mới, xu hướng hoặc sự thay đổi của thị trường. Nên Business Model Canvas còn mang đến một cách giúp các đơn vị có thể khám phá ra những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, cơ hội phát triển mới.
Mục đích chính của khung mô hình kinh doanh là hợp nhất các thành tố - hoạt động kinh doanh bằng các minh họa cho các tiêu chí rõ ràng, cụ thể và đơn giản hơn rất nhiều. Từ đó thay thế cho các bản chiến lược dày cộp, cả nghìn từ vừa mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu mà thiếu đi tính trực quan khi bạn muốn trình bày cho người khác hiểu. Trong khi đó, Business Model Canvas được xây dựng với tính trực quan cao, đơn giản mà lại dễ hiểu, dễ triển khai. Nên nó ngày càng “được lòng” các nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp, công ty khi được triển khai thực tế vào hoạt động kinh doanh của mình.
Các thành tố trong mô hình kinh doanh Canvas
Hai nhà sáng lập ra BMC đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng bắt đầu từ năm 2009. Qua rất nhiều lần thử nghiệm tiến sĩ Alexander Osterwalder và giáo sư Yves Pigneur đã đưa ra được 9 thành tố quan trọng hành đầu trong mô hình kinh doanh Canvas. Đây cũng chính là 9 thành tố mà mọi doanh nghiệp đều cần phải có thể phát triển các kế hoạch kinh doanh thực sự hiệu quả.
1. Customer Segments – Phân khúc khách hàng mục tiêu: Đây chính là những tệp khách hàng mà doanh nghiệp hướng đến việc phân phối sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường tiêu dùng. Theo đó, phân khúc khách hàng mục tiêu được Alexander Osterwalder phần chia thành 5 thị trường nhỏ: Thị trường phổ quát, thị trường hỗ hợp, thị trường đa dạng phân khúc, thị trường đa dạng tệp khách hàng và thị trường ngách.
2. Value Propositions – Tuyên bố giá trị: Đây chính là những lý do để thuyết phục khách hàng lựa chọn, chi trả cho sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
3. Channels – Kênh phân phối: Sẽ được phân chia thành hai kiểu khác nhau là phân phối trực tiếp và phân phối gián tiếp với các kênh khác nhau. Ngoài kênh phân phối do doanh nghiệp xây dựng ra thì còn có thể là từ đối tác.
4. Customer Relationships – Mối quan hệ với khách hàng: Có rất nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ với khách hàng trong suốt quá trình, hoạt độnh kinh doanh của mình.
5. Revenue Streams – Luồng doanh thu: Chính là luồng tiền của doanh nghiệp, được thể hiện bằng 6 phương pháp khác nhau: Nhượng quyền, phí sử dụng một lần, cho thuê quảng cáo, môi giới, thuê bao theo thời gian và bán tài sản.
6. Key Resources – Nguồn tài nguyên chính: Đây chính là những nguồn lực để đảm bảo cho kế hoạch kinh doanh của bạn được tiến hành hiệu quả bao gồm: Con người – Tài chính – Tri thức – Cơ sở vật chất.
7. Key Activities – Hoạt động chính: Là những công việc mà doanh nghiệp, công ty sẽ cần phải tiến hành thực hiện để đảm bảo cho sự thành công của mô hình Canvas.
8. Key Partnerships – Đối tác chính: Sẽ có 4 kiểu đối tác chính – biểu thị cho các mối quan hệ hợp tác kinh doanh của các đơn vị là liên minh chiến lược, hợp tác cùng phát triển, liên doanh và quan hệ nhà sản xuất với nhà cung cấp nguyên liệu.
9. Cost Structure – Cơ cấu chi phí: Là số tiền mà bạn cần phải bỏ ra để vận hành các hoạt động của doanh nghiệp.
Điểm mạnh và điểm yếu của mô hình kinh doanh Canvas
Mô hình kinh doanh Canvas ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới, ngay tại Việt Nam cũng đang có rất nhiều áp dụng theo. Tuy nhiên, thực tế thì không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về mô hình này. Đơn thuần chúng ta chỉ đang dựa trên một lý thuyết hoặc những đánh giá – bức tranh mà người phác thảo cho. Điều này sẽ tác động trực tiếp vào đánh giá cá nhân của bạn về mô hình Canvas, thậm chí nó còn khiến bạn hiểu sai về bản chất hay những giá trị thực tế về khung mô hình kinh doanh. Vì vậy, sau đây hãy cùng chính tôi tìm hiểu về những điểm mạnh và điểm yếu của mô hình kinh doanh Canvas để có thể tực mình đưa ra những đánh giá mang tính chất khách quan nhất.
+ Điểm mạnh của mô hình kinh doanh Canvas:
• Luôn tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh.
• Tập trung vào mối quan hệ vấn đề - giải pháp.
• Nếu có ý tưởng mới đều có thể dễ dàng điều chỉnh một cách linh hoạt.
• Tính logic cao.
• Trực quan, sinh động dễ quan sát, dễ hiểu.
• Giúp tranh luận và nghiên cứu sâu hơn các vấn đề.
+ Điểm yếu của mô hình kinh doanh Canvas:
• Nó là một mô hình kinh doanh chứ không phải là một chiến lược hoàn toàn, nên bạn vẫn cần phải xây dựng chiến lược.
• 9 thành tố trong Canvas không tính đến thị trường và đối thủ cạnh tranh.
• Không tính đến yếu tố phát triển bền vững.
• Thiếu đi tầm nhìn vĩ mô.
• Không thể hiện rõ các bên liên quan khi tham gia vào mô hình.
Có nên sử dụng mô hình kinh doanh Canvans không?
Sở hữu rất nhiều điểm mạnh nhưng cũng không có ít điểm yếu, không quá ngạc nhiên khi nhiều bạn lúc này sẽ ngay lập tức đặt ra câu hỏi “Có nên sử dụng mô hình kinh doanh Canvans không?”. Tất nhiên, đối với những ai chưa từng tìm hiểu chuyên sâu về mô hình này thì việc đưa ra quyết định ngay lập tức lúc này sẽ là rất khó. Chưa kể, tâm lý lúc này còn bị ảnh hưởng, phân tâm bởi những điểm yếu mà bạn vừa mới tìm hiểu đến ở trên. Các mô hình kinh doanh luôn được ví như những công cụ giúp các doanh nghiệp tối ưu sự hoàn thiện cho các bản chiến lược, kinh doanh của mình.
Thức chất, mỗi một mô hình đều luôn tồn đọng của điểm mạnh lẫn điểm yếu. Không một công cụ nào được coi là lý tưởng tuyệt đối cho tất cả, mà lúc này bạn cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng để đánh giá xem nó có thực sự phù hợp với mình hay không. Tuy nhiên, với những kiến thức và kinh nghiệm của mình chúng tôi cho rằng mô hình kinh doanh Canvas là một công cụ rất giá trị mà bạn nên thử nghiệm cho hoạt động kinh doanh của mình. Không cần đề cập đến những điểm mạnh ở trên thì có đến 4 lý do mà bạn nên sử dụng khung mô hình kinh doanh.
• Thứ nhất – Mô hình kinh doanh Canvas sẽ mang đến một cái nhìn, cách tư duy trực quan nhất.
• Thứ hai – Mô hình kinh doanh Canvas được triển khai rất nhanh chóng và dễ dàng.
• Thứ ba – Mô hình kinh doanh Canvas sẽ giúp bạn hiểu được đâu là các thành tố quan trọng trong kinh doanh cần phải chú trọng cũng như mối quan hệ giữa chúng.
• Thứ tư – Mô hình kinh doanh Canvas cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kế hoạch kinh doanh, mọi thứ đều được thể hiện một cách minh bạch, rõ ràng. Hơn thế nó cho phép việc chia sẽ trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh theo mô hình Canvas
Thông thường mô hình kinh doanh Canvas sẽ được xây dựng trên một khổ giấy lớn, với 9 thành tố quan trọng. Từ đó chúng ta sẽ “lấp đầy” nó bằng những tiêu chí, mục tiêu cụ thể cho từng thành tố một. Nói như này thì có vẻ rất đơn giản, nhưng thực chất thì không phải ai cũng biết cách lập kế hoạch kinh doanh theo mô hình Canvas như thế nào mới là đúng chuẩn, đảm bảo về mặt hiệu quả khi tiến hành triển khai. Nếu bạn là người lần đầu tiên lập kế hoạch kinh doanh với mô hình Canvas thì hãy in mô hình này ra khổ giấy A3. Đừng quên hãy in nhiều mẫu để có ngay bản thay đổi khi bạn sai, cần sửa đổi. Và sau đây sẽ là từng bước mà bạn cần phải tiến hành theo 9 thành tố:
Bước 1 – Phân khúc khách hàng: Điều này nghe thì có vẻ là đơn giản, nhưng khi đi vào chi tiết thì rất nhiều người thường lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu. Bạn cần phải hiểu rõ khách hàng của mình là ai, sau đó tiến hành việc phân chia theo từng nhóm và phân tích về các vấn đề liên quan đến họ.
Bước 2 – Tuyến bố giá trị: Nếu như bạn chưa thể xác định được tuyên bố giá trị của mình là gì thì có thể sử dụng ngay những vấn đề, nhu cầu của khách hàng mục tiêu để xây dựng.
Bước 3 – Kênh phân phối: Đây chính là phương tiện để khiến khách hàng biết đến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của bạn. Với từng phân khúc thì bạn nên lựa chọn kênh phân phối phù hợp nhất.
Bước 4 – Quan hệ khách hàng: Hãy tạo ra một bảng mô tả quan hệ khách hàng theo từng phân khúc một.
Bước 5 – Dòng doanh thu: Dựa trên từng phân khúc bạn hãy tính toán xem mức doanh thu tiềm năng mình có thể nhận được là bao nhiêu.
Bước 6 – Các hoạt động chính: Thiết lập danh sách các hoạt động chính cần phải liên kết chặt chẽ với các tuyên bố giá trí của doanh nghiệp. Có như vậy mới tạo nên được sự đồng nhất để khách hàng tin tưởng.
Bước 7 – Nguồn lực chính: Xem xét các nguồn lực chính của doanh nghiệp một cách toàn diện để đánh giá được đâu là nguồn lực chủ chốt để tạo lên sự thành công.
Bước 8 – Đối tác chính: Bạn hãy phác thảo nên bản đồ liên kết giữa các đối tác chính của mình, tuy nhiên đừng quên căn cứ dựa vào các hoạt động chính.
Bước 9 – Cơ cấu chi phí: Tính toán kỹ lưỡng các khoản chi phí mà bạn cần bỏ ra.
Bước 10 – Đánh giá: Hoàn thành 9 bước trên thì bạn cần phải đánh giá lại tổng thể tất cả về tính khả năng, mối quan hệ cũng như các vấn đề liên quan khác.
Lưu ý quan trọng khi lập kế hoạch kinh doanh theo mô hình Canvas
Trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh theo mô hình Canvas bạn sẽ phải trải qua rất nhiều bước, rất nhiều công việc cần phải hoàn thiện. Chưa kể sẽ phải phân tích, tranh luật chuyên sâu với đội nhóm cùng thực hiện. Tuy nhiên, cũng đừng vội lo lắng quá nhiều khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, mới lần đầu thực hiện. Ngay cả khi bạn viết, phác thảo sai điều gì nó không quá quan trọng. Thay vào đó, hãy lưu ý đến những điều này để đảm bảo về mặt hiệu quả nhé.
+ Hãy liệt kê ra tất cả những nội dung trong các thành tố cần phải thực hiện, hãy liệt kê nhiều nhất có thể để bạn có thể hiểu rõ hơn. Chỉ dừng lại khi bạn không thể tìm kiếm, phân tích ra những điều khác.
+ Với những bản bị hỏng ở một vài thành tố hay vấn đề nào đó thì đừng vội bỏ nó đi, hãy giữ lại vì khi sang bản mới bạn sẽ cần phải nhìn lại để biến mình nên để lại gì và bỏ đi gì.
+ Khi lập kế hoạch kinh doanh theo mô hình Canvas hãy dành 90 phút cho sự tập trung toàn bộ của mình vào nó. Đừng để phân tâm bởi bất kỳ điều gì, vì nó sẽ khiến suy nghi của bạn bị đứt đoạn và ảnh hưởng rất nhiều.
+ Ngoài những mẫu in bản giấy ra thì bạn nên kết hợp với các cả máy chiếu, thảo luận, bảng trắng,… để có thể cùng đội nhóm thực hiện của mình làm việc hiệu quả hơn.
+ Để tránh công việc bị gián đoạn hãy cô gắng đảm bảo rằng các thành viên trong đội nhóm của mình được cung cấp đầy đủ các công cụ để thực hiện công việc.
Ví dụ về mô hình kinh doanh Canvas thành công
Như chúng tôi đã đề cập đến ngay từ đầu tiên, mô hình kinh doanh Canvas dù là một mô hình hiện đại nhưng lại đang rất “được lòng” nhiều doanh nghiệp. Ngay cả các “ông lớn” có sức ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu cũng đã sử dụng đến BMC. Không khó để bạn có thể tìm thấy các bản mẫu về mô hình kinh doanh Canvas của các thương hiệu thành công như Apple, Grab, Facebook, Google, BMW,… Bởi điều này được chia rẻ rất rộng rãi và chỉ cần một vài cú click chuột là bạn đã có ngay bản mẫu chi tiết.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào các bản mẫu đó thì rất khó để bạn có thể tham khảo được những giá trị “đắt giá” thực sự. Vì vậy, trong phần ví dụ về mô hình kinh doanh Canvas thành công chúng tôi sẽ không đề cập đến những bản mẫu khô khan mà bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ đầu. Thay vào đó chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về mô hình kinh doanh Canvas đã rất thành công của Apple. Mặc dù Apple không phải đơn vị đầu tiên áp dụng Canvas nhưng mức độ thành công thì lại là điều không thể phủ nhận. Bản chất trong mô hình kinh doanh Canvas của Apple chính là việc kết hợp liền mạch giữa các yếu tố trụ cột, để có thể tăng các tuyên bố giá trị mang tính chất đặc trưng nhất của thương hiệu.
Cùng với đó, mô hình này được áp dụng trực tiếp cho dòng sản phẩm iPod nên Apple đã đặt mối quan hệ hợp tác với các đối tác lâu dài, phát triển bền vững với các nhà sản xuất âm nhạc bằng các thỏa thuận rõ ràng. Từ đó, tạo nên một áp lực rất lớn đối với các đối thủ cạnh tranh của Apple nhất là với những lợi ích được thiết lập trên App Store. Nhờ đó mà dòng doanh thu của Apple đến từ iPod đã được tối ưu một cách hiệu quả.
Mô hình kinh doanh Canvas không giống như các bản chiến lược, những chiến thuật với “mớ” lý thuyết màu hồng, xa vời mà bạn đã tìm hiểu trước đó. Nó rất thực tế, mọi thứ rõ ràng, minh bạch và không khó để thực hiện. Bạn có thể sử dụng mô hình này bằng chính những hiểu biết của bạn thân mình về 9 thành tố mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên. Từ đó, tạo dựng ra những nền tảng định hướng cho mục tiêu kinh doanh phát triển và bền vững.