Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra rất nhiều sự đột phá về mặt công nghệ, dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Và ngành bán lẻ cũng không nằm ngoài xu hướng này, rất nhiều yếu tố mới được hình thành vừa mở ra cơ hội phát triển vừa là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp.
Câu chuyện chuyển đổi số trong ngành bán lẻ có lẽ là điều đag được quan tâm lúc này. Bởi với nhiều người, việc chuyển đổi số trong ngành này là rất khó bởi do đặc thù riêng. Tuy nhiên, đây lại là một xu hướng tất yếu trong thời đại mà buộc các doanh nghiệp, đơn vị phân phối không thể nằm ngoài được.
1/ Chuyển đổi số là gì?
Chúng ta thường đề cập đến rất nhiều vấn đề chuyển đổi số, không chỉ riêng trong ngành bán lẻ mà còn rất nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Vậy chính xác thì chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số là thuật ngữ được ra đời trong thời đại công nghệ 4.0 hay còn được gọi là Digital Transformation dùng để diễn việc ứng dụng các công nghệ vào quá trình làm việc, sản xuất,… cụ thể. Thay vì các thao tác, công đoạn truyền thống trước kia việc ứng dụng công nghệ đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn khác biệt.
Bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại, khi ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau nó mang đến cách thức vận hành và kết quả khác nhau. Nhưng mục đích chung vẫn là tối ưu quy trình vận hành, nâng cao hiệu quả làm việc. Nếu như trước kia chúng ta sẽ tốn rất nhiều công sức, thời gian, nhân lực để thực hiện thì khi áp dụng chuyển đổi số vào thì mọi thứ sẽ được tối ưu hơn rất nhiều. Với Microsoft, chuyển đổi số chính là quá trình tư duy và tổ chức lại mọi dữ liệu, quy trình để tạo ra các giá trị mới với hiệu suất làm việc được cao hơn. Tuy nhiên, dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số thì đây vẫn là xu hướng được bùng nổ trong cuộc cách mạng lần thứ 4 trên toàn cầu này.
Xem thêm: Chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì? Có nên chuyển đổi mô hình kinh doanh không?
2/ Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ là gì?
Như vậy với việc tìm hiểu về khái niệm chuyển đổi số ở trên, nhiều bạn có lẽ sẽ không khó để trả lời câu hỏi tiếp theo này. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ được hiểu là quá trình chuyển dịch trong mô hình kinh doanh truyền thống sang bán lẻ kỹ thuật số. Tức là từ việc tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng được xây dựng từ trước đến nay, lúc này sẽ chuyển sang việc tập trung vào khách hàng dựa trên chuỗi kỹ thuật số được áp dụng đồng bộ.
Các bạn có thể hiểu, trước kia ngành bán lẻ sẽ phân bố sản phẩm của mình ra thị trường ở các điểm bán là cửa hàng, quầy hàng trực tiếp. Tức là tiếp cận, giao dịch với người mua ngay tại những điểm bán hàng này. Chính vì vậy, họ sẽ tập trung vào việc lựa chọn mặt bằng và thiết kế một không gian bán hàng nổi bật, dễ dàng thu hút khách hàng tiềm năng. Nhưng chuyển đổi số trong ngành bán lẻ sẽ chuyển sang tập trung vào khách hàng thay vì chuỗi cũng ứng nhiều hơn.
Bán lẻ trong thời đại công nghệ số khi được áp dụng sẽ được chia làm 3 khâu cụ thể:
• Khâu 1: Tìm kiếm, thu thập data khách hàng
• Khâu 2: Chuyển các data này thành insights cụ thể
• Khâu 3: Đưa ra các hành động cụ thể để thúc đẩy quá trình mua sắm (nhắn tin, gọi điện,…)
3/ Thực trạng của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay
Dù quá trình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang phát triển và gần như thay đổi toàn diện bức tranh tổng thể của ngành này ở rất nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên cho đến nay mô hình truyền thống vẫn phát triển rất tốt ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi đề cập đến ngành bán lẻ Việt Nam luôn có một sự phân định rõ ràng giữa hai mô hình truyền thống và hiện đại. Mô hình bán lẻ hiện đại với các đại diện như chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang không ngừng mở rộng quy mô của mình.
Còn đối với mô hình truyền thống với các kênh như chợ, cửa hàng tạp hóa vẫn xuất hiện rất nhiều trên cả nước dù mang tính rải rác thay vì tập trung. Không phủ nhận rằng, cả hai mô hình này đều giữ “phong độ” tăng trưởng tốt trong suốt những năm qua. Thế nhưng, mô hình hiện đại dù mang đến nhiều lợi ích nhưng cho đến nay mô hình truyền thống vẫn đang ở thế cao hơn. Các khu chợ truyền thống, tạp hóa thực tế lại góp một phần không nhỏ vào tổng doanh thu kinh tế mỗi năm của đất nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam hiện nay còn chịu sự cạnh tranh cũng những doanh nghiệp quốc tế. Điều này đồng thơi có thể tạo ra một môi trường đầy sôi động, người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan nhất thì ngành bán lẻ Việt Nam ngoài rất nhiều điểm cộng ra thì có một điểm trừ rất lớn chính là dịch vụ. Hiện tại, phong thái và cách dịch vụ của số đông các doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn rất kém. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc tế xuất hiện tại Việt Nam như AEON Mall hay Lotte đã trở thành một điểm sáng.
4/ Xu hướng chuyển đổi số ngành bán lẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có ngành nào có sự chuyển đổi sổ đầy mạnh mẽ và chịu nhiều tác động như ngành bán lẻ. Theo thời gian sự chuyển dịch ngày càng quyết liệt và ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh. Dù trước kia, số đông đều cho rằng, xu hướng chuyển đổi số đều khó có thể tác động đến ngành bán lẻ. Bởi đặc trưng lớn nhất của ngành này chính là sự tập trung và chuỗi cung ứng và mang tính đại chúng lớn. Thêm vào đó, thói quen của người tiêu dùng đã được hình thành từ trước đến nay là điều rất khó để có thể thay đổi.
Nhưng cho đến, quan điểm này đã hoàn toàn thay đổi và thậm chí việc nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số này còn khiến các doanh nghiệp trở nên lạc hậu, khó có thể cạnh tranh với các đối thủ khác. Nhất là khi, người tiêu dùng hiện nay có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ - thông tin rất cao. Những trải nghiệm về công nghệ, sự cảm nhận về tính tiện lợi đã tạo ra rất nhiều nhu cầu cũng như sự đòi hỏi khác nhau trong quá trình mua sắm của họ. Vài năm trở lại gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng hàng loạt chuỗi cửa hàng của mình khi không chịu chuyển đổi số.
Nhất là khi đại dịch Covid-19, những cái tên này không thể “cứng đầu” với quan điểm không cần chuyển đổi số mà vẫn có thể tồn tại và cạnh tranh được nữa. Nhìn vào bức tranh mua sắm trực tuyến của ngành bán lẻ các bạn sẽ cảm thấy được sự đối lập hoàn toàn giữa hai cực thái. Một bên thì ảm đảm còn một bên đầy sôi động, hơn thế đây còn là xu hướng mua sắm trong tương lai dù không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
5/ Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ có cần thiết trong lúc này không?
Sau nhiều đợi ảnh hưởng của đại dịch, có lẽ đã không còn nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao ngành bán lẻ phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, các bạn đừng nhầm tưởng rằng đây chỉ là cách đối phó với tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh. Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ là điều rất cần thiết lúc này nhưng nó không phải là một phương án tức thời, ngược lại đây là cả một quá trình lâu dài. Cần một sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có một sự “chuyển mình” thành công nhất trong tương lai.
Có một điều không thể bàn cãi, đó là thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh. Khách hàng ngày nay không chỉ mua sản phẩm mà là mua cả quá trình trải nghiệm, họ có nhiều sự lựa chọn hơn cho mình mà không cần phải quá lo lắng rằng không mua ở điểm này thì không thể mua ở đâu khác. Vì vậy, tốc độ chuyển đổi hóa là điều rất quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Nên chuyển đổi số là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ riêng lúc này, mà là cả sau này. Đặc biệt, trong bối cảnh 4.0 luôn đòi hỏi về tư duy và sáng tạo thì một tinh thần quyết liệt dám bỏ cái cũ để đón cái mới sẽ mang đến vô vàn cơ hội cho bất kì một doanh nghiệp nào.
6/ Ưu nhược điểm của chuyển đổi số trong ngành bán lẻ
Hiện nay xu hướng chuyển đổi số trong ngành bán lẻ ngành càng phổ biến hơn bao giờ hết. Thực tế, số đông đều nhìn vào những “màu hồng” của quá trình chuyển đổi này. Từ đó, bắt tay vào một cách vội vã mà chưa tính toán một cách kỹ lưỡng. Không phủ nhận, đây là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số 4.0. Tuy nhiên, không thể nói là chuyển đổi sẽ là chuyển đổi ngay vì ngay một sự chuyển đổi nhỏ trong kinh doanh cũng tạo ra tác động rất lớn. Vì vậy, hãy cùng đánh giá những mặt ưu – nhược điểm của quá trình này nhé.
+ Ưu điểm của chuyển đổi số trong ngành bán lẻ:
• Tăng trải nghiệm lý tưởng cho khách hàng, mang đến sự hài lòng và tính thuyết phục cao hơn.
• Tự động hóa các quy trình làm việc và hệ thống vận hành tổng thể của doanh nghiệp.
• Tối ưu việc sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, đúng mục tiêu.
• Tăng doanh thu với khả năng nhờ việc tối ưu quy trình bán hàng, vận chuyển,…
• Tiết kiệm chi phí thuê nhân viên, chi phí quản lý.
• Nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cho các doanh nghiệp.
+ Nhược điểm của chuyển đổi số trong ngành bán lẻ:
• Đòi hỏi sự kiên nhẫn, mất nhiều thời gian trong quá trình chuyển đổi.
• Chi phí đầu tư cho các thiết bị, công nghệ, phần mềm,… để sử dụng và quản lý không hề nhỏ.
• Đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, nhân viên phải có kiến thức am hiểu về công nghệ - thông tin nhất định.
7/ Cơ hội, thách thức khi chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam cũng có những chuyển đổi về công nghệ số rất rõ ràng. Dù đi sau, nhưng tốc độ chuyển đổi của nước ta cũng phải khiến nhiều người bất ngờ. Với dân số là gần 100 triệu tính đến thời điểm hiện tại và cơ cấu dân số trẻ, sức mua và sự thích ứng của người tiêu dùng Việt chính là yếu tố thu hút rất mạnh với các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế. Thế nhưng, quá trình chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam không chỉ có các cơ hội mà còn chứa đựng cả những thách thức mà buộc các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn.
+ Cơ hội khi chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam:
• Việt Nam là một thị trường có nhu cầu mua sắm bán lẻ rất cao, ngay ở trong các thời điểm dịch bệnh căng thẳng tỷ lệ tăng trưởng vẫn không bị giảm.
• Với cơ cấu dân số trẻ, người tiêu dùng Việt có khả năng học hỏi công nghệ khá tốt và không quá lâu để thay đổi cho trải nghiệm mua sắm của mình.
• Các loại hình thanh toán điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp quy trình mua sắm ngày càng trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều.
• Sự bùng nổ của xu hướng mua sắm online trong những năm gần đây đã tạo ra một tiền đề rất tốt cho công cuộc chuyển đổi số của ngành bán lẻ.
• Sự thay đổi về hành vi người dùng trong thói quen mua sắm đã giúp việc chuyển đổi trở bên thuận tiện hơn.
• Nền chính trị ổn định và kinh tế đang trên đà phát triển.
+ Thách thức khi chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại Việt Nam:
• Thị trường cạnh tranh bán lẻ của Việt Nam là rất lớn, không chỉ có các doanh nghiệp nội địa mà còn có rất nhiều “ông lớn” đến từ các nước khác với sự thay đổi về chất.
• Thị trường bán lẻ Việt Nam có tính liên kết rất yếu giữa các lực lượng cùng tham gia.
• Dù là hệ thống chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn vẫn thiếu tính chuyên nghiệp trong công nghệ quản trị.
• Thói quen của người tiêu dùng dù đang có sự thay đổi nhưng vẫn là thách thức rất lớn ở thị trường Việt.
8/ Doanh nghiệp chuyển đổi số ngành bán lẻ cần chuẩn bị gì?
Muốn chuyển đổi số thành công trong ngành bán lẻ không phải quá khó khăn nhưng cũng không đơn giản chút nào. Nhất là khi đây còn là cả quá trình lâu dài mới có thẻ đạt được sự hoàn thiện như mong muốn. Thậm chí quá trình chuyển đổi này còn “ngốn” của bạn một khoản chi phí không hề nhỏ chút nào. Vì lý do này mà bản thân các doanh nghiệp cần phải có một sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng đối với những vấn đề sau:
Công nghệ: Đây là điều chắc chắn mà không cần chúng tôi nói ra bạn cũng đã biết là mình cần phải chuẩn bị. Đồng thời đây cũng chính là mục tiêu của quá trình chuyển đổi số. Điều quan trọng bạn cần phải tìm ra chính xác mình cần gì, cái gì là phù hợp.
Trải nghiệm khách hàng: Khía cạnh cản trở của công nghệ đó là tính thay đổi liên tục, do đó bạn cần phải xây dựng những trải nghiệm của khách hàng tốt nhất, phù hợp nhất. Luôn theo dõi, quan sát để có những sự thay đổi, điều chỉnh hiệu quả.
Quy trình: Khi bạn đã lựa chọn được công nghệ được áp dụng trong việc chuyển đổi của mình thì lúc này bạn cần phải xây dựng một quy trình áp dụng, triển khai rõ ràng. Bao gồm cả kế hoạch, chiến lược cụ thể và minh bạch.
9/ Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành bán lẻ
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong ngành bán lẻ nói riêng không phải là quá trình tức thời hay một giải pháp cho một giai đoạn nào đó. Trên chặng đường đua này không phải ai cũng có thể bước đến vạch đích. Nhất là khi hầu hết các doanh nghiệp rất khó có thể mở rộng quy mô mà không tiến hành chuyển đổi số. Vì vậy, ắt hẳn việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quá trình này luôn là những điều cấp thiết lúc này.
Thực tế, sẽ không có một giải pháp duy nhất nào có thể giúp bạn hoàn thiện quy trình này một cách tốt nhất. Khi nó tác động đến rất nhiều vấn đề, vì vậy cần phải cân nhắc đến những yếu tố sau đây để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể:
Thứ nhất – Sự thay đổi về nhận thức: Điều này rất quan trọng nếu muốn chuyển đổi số, sự quyết liệt đến từ ban lãnh đạo, đội ngũ nhân sự là rất quan trọng. Thậm chí, các doanh nghiệp cần phải tìm kiếm các nhân tài cho các vị trí quan trọng để xây dựng lên những chiến lược chuyển đổi số tốt nhất.
Thứ hai – Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp: Hãy xác định nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để đưa ra những sự lựa chọn tốt nhất. Mô hình không phù hợp thì quá trình chuyển đổi sẽ rất vất vả.
Thứ ba – Tối ưu quy trình quản trị: Hãy số hóa cả những quy trình giấy tờ, quản lý nhân sự, đánh giá hiệu suất, quản lý bán hàng,… điều này sẽ tạo nên một tổng thể hiệu quả hơn là với cách quản trị truyền thống.
Thứ tư – Đầu tư vào trải nghiệm khách hàng: Hãy tăng cường trải nghiệm khách hàng từ việc bán hàng đa kênh, chăm sóc, dịch vụ hỗ trợ cho đến các phương thức thanh toán.
10/ Những lời khuyên khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số cho ngành bán lẻ
Là một xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, dù bạn có muốn hay không thì việc chuyển đổi số khi hoạt động trong ngành bán lẻ là điều không thể không thực hiện. Dù quá trình này thực sự rất căng thẳng và mệt mỏi, với rất nhiều vấn đề cũng như thách thức luôn được đặt ra. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những lời khuyên đầy hữu ích từ góc độ của chính những lãnh đạo đã thành công trong vấn đề này.
+ 3 điều nên làm khi chuyển đổi số cho ngành bán lẻ:
• Hãy cố gắng truyền đạt các mục tiêu chuyển đổi một cách rõ ràng, đưa ra sự hiểu biết, những vấn đề xảy ra đến toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên trong tập thể.
• Đừng quên đầu tư vào trải nghiệm của đội ngũ nhân viên, từ đó có thể xây dựng nên một môi trường làm việc tốt hơn. Họ sẽ cố gắng và ủng hộ cho những mục tiêu của bạn.
• Đặt ra các tiêu chí làm xây dựng lên thành công một cách rõ ràng và có chiến lược trong quá trình chuyển đổi số của mình.
+ 3 điều không nên làm khi chuyển đổi số cho ngành bán lẻ:
• Không có tầm nhìn trọng tâm, khai thác quá nhiều khía cạnh dẫn đến việc lãng phí nguồn lực.
• Rơi vào tâm lý đám đông, thấy người ta sử dụng công nghệ này hay cũng liền áp dụng ngay khi chưa tìm hiểu và đánh giá kỹ lưỡng.
• Sự mất cân bằng trong đội ngũ thực hiện, không có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận với nhau.
Xem thêm: 9 Chiến thuật thu hút khách hàng bán lẻ “đỉnh của chóp”
Thực hiện chuyển đổi số trong ngành bán lẻ cho đến nay có lẽ đã trở thành mối bận tâm lớn nhất của mọi doanh nghiệp tham gia vào. Đây thực sự là một cuộc chiến mà buộc mỗi cá nhân, mỗi tập thể đều phải cố gắng hết sức mình. Bởi khi xu hướng đã được định hình, nếu bạn không chịu thay đổi thì sau đó sẽ chỉ có một mình bạn ở lại phí sau mà thôi.