Đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đến nay Thế Giới Di Động (TGDĐ) đã xây dựng thành công “đế chế” hàng đầu tại Việt Nam trong ngành bán lẻ các thiết bị di động và điện máy hàng hóa. Đồng thời đây cũng là một trong số ít những cái tên khi 4 lần liên tiếp nằm trong TOP 50 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất tại nước ta.
Với nhiều người TGDĐ đã trở thành một “hình mẫu lý tưởng” trong kinh doanh khởi nghiệp, mọi câu chuyện đều trở thành những động lực cổ vũ. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng, sự thành công của doanh nghiệp tỷ đô này lại được khởi nguồn từ một tình huống rất đời thương. Nhưng trong kinh doanh không có một con đường nào trải đầy hoa hồng và cũng không một ai đi qua mà nói rằng con đường này rất dễ đi, có thể thoải mái tận hưởng.
Ý tưởng kinh doanh được “khai sinh” khi mua điện thoại tặng vợ
Ắt hẳn bạn đã rất nhiều lần đi qua các cửa hàng của Thế Giới Di Động và thậm chí đôi lần ghé vào để lựa chọn, tham khảo các mẫu sản phẩm cần thiết cho mình. Nhưng liệu có bao giờ bạn từ hỏi rằng ông chủ của thương hiệu hàng đầu này là ai? sao họ lại có ý tưởng kinh doanh “đắt giá” như này chưa? Trở về từ Pháp vào năm 1995 với tấm bằng danh giá thạc sỹ tài chính và từng làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn lớn tại Thụy Sỹ. Có thể nói rằng, con đường sự nghiệp khi trở về Việt Nam của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ Phần TGDĐ đầy hứa hẹn với sự thăng tiến không ngừng nghỉ.
Chỉ mới hơn 20 tuổi nhưng đã đảm nhận vị trí giám đốc tài chính, với mức lương bao người phải ngưỡng mộ. Đặc biệt lại còn được cấp xe riêng và có người đưa đón mỗi ngày. Nhưng trong tâm tưởng của ông Tài thì sự hai từ “an phận” chưa bao giờ tồn tại cả. Đây cũng chính là lý do sau này ông tự mình ra làm riêng, tự xây dựng “đế chế” thuộc về mình. Vào một dịp cuối năm, khi nhận được một khoản tiền thưởng khá lớn ông đã quyết định đi mua một chiếc điện thoại di động để tăng cho vợ mình. Nhưng không ngờ điều rất đơn giản này đã trở thành một “nhiệm vụ” khó khăn đối với ông Tài giữa trung tâm thương mại lớn tại TP. Hồ Chí Minh lúc bây giờ.
Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, thế nhưng sau rất nhiều thời gian ông vẫn không thể mua được một chiếc điện thoại cho vợ mình. Ông tới liền hai cửa hàng, nhưng không ở đâu có thể tư vấn được đâu là mẫu điện thoại lý tưởng nhất để mua với số tiền ấy. Có tiền, sẵn sàng chi trả nhưng lại không thể tìm được sản phẩm đúng với mong muốn. Ông Tài chợt thấy rằng “Có điều gì đó bất thường ở đây”, nếu ông có thể khắc phục được điều này thì khách hàng chắc chắn sẽ không ngừng ủng hộ.
Và thế là một ý tưởng kinh doanh đã được “khai sinh” từ chính thời điểm này. Tất nhiên, để từ ý tưởng cho đến hành động thực tế và chạm được đến thành công là cả một quá trình với biết bao thăng trầm xảy ra. Đôi khi một ý tưởng kinh doanh bạn nhìn nhận vào từ bên ngoài thật vĩ mô, to lớn và chỉ cũng có những người kiệt xuất mới có thể nghĩ ra được. Nhưng thực chất nó lại được khởi nguồn từ những điều rất đơn giản trong chính cuộc sống thường nhật của chúng ta. Có chăng chỉ là liệu mấy ai có thể tinh ý để nhận ra những điều này hay không và ông chủ của TGDĐ đã cho ra đời một ý tưởng kinh doanh từ chính phát hiện tinh tế của mình.
Từ cửa hàng nhỏ cho đến doanh nghiệp tỷ đô đáng ngưỡng mộ
Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh của ông Nguyễn Đức Tài thực chất không hề liên quan đến điện thoại một chút nào. Ý tưởng đầu tiên của ông lại là một hệ thống chuyển nhượng bất động sản, tuy nhiên dự án này đã nhanh chóng thất bại chỉ sau 1 năm. Tất nhiên, sự thất bại này đến từ rất nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau nhưng cũng từ đó mà giúp ông rút ra được rất nhiều bài học khởi nghiệp quý giá cho mình. Sau đó, ý tưởng kinh doanh điện thoại được “khai sinh” từ một tình huống rất thường tình. Nhưng nhìn nhận từ bài học khởi nghiệp lúc trước, ông đã quyết định “học nghề” thêm khi ứng tuyển vào một hãng điện thoại nổi tiếng để làm việc.
Sau một thời gian “học nghề” với số vốn 2 tỷ đồng, ông Tài đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động vào khoảng tháng 3/2004 nhưng sau đó đã thất bại ngay lập tức. Nhưng thay vì từ bỏ như ý tưởng đầu tiên, vào tháng 10/2004 ông đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình sang kinh doanh bán lẻ điện thoại. Ở lần đầu tiên, mô hình kinh doanh được ra đời với website chính thức thegioididong.com cùng với ba cửa hàng. Lượng người truy cập vào website, đến cửa hàng ầm ầm nhưng lại không có nhiều người mua. Sau khi biết được nguyên nhân, ở lần tiếp khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, ông Tài đã cho mở một cửa hàng duy nhất rộng 200m2 tại đường Nguyễn Đình Chiểu – TPHCM và tập trung xây dựng một website siêu chất lượng.
Sau hai năm, TGDĐ mới được mở thêm cửa hàng thứ hai nhưng chỉ một năm sau đó hệ thống bán lẻ này đã được mở rộng với 20 cửa hàng trải rộng ở nhiều tỉnh thành như HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Buôn Ma Thuột,… Sau đó công việc kinh doanh ngày càng khởi sắc, ngay ở cả giai đoạn nền kinh tế chung đang rất khó khăn trong giai đoạn 2007 – 2010. Nhưng mức doanh thu của TGDĐ vẫn tăng trưởng 200%/năm, đây quả thực là một con số khiến bao người phải bất ngờ. Bởi giai đoạn này đã có rất nhiều thương hiệu phải “từ bỏ cuộc chơi” sớm do tác động của thị trường chung.
Điều đặc biệt hơn nữa, trong hơn một thập kỷ qua, mô hình kinh doanh do ông Nguyễn Đức Tài “chèo lái” đã tăng trưởng nhanh chóng ở cả ba chỉ tiêu đáng ngưỡng mộ là số lượng cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận đạt được. Tính đến thời điểm hiện tại, TGDĐ đã trở thành doanh nghiệp tỷ đô và không chỉ dừng chân tại ở ngành bán lẻ điện thoại mà còn “lấn sân” sang cả ngành hàng hóa điện máy và kinh doanh thực phẩm. Đồng thời mở rộng thị trường của mình sang các nước trong khu vực, khởi nguồn đầu tiên là Campuchia vào cuối tháng 6/2017 đã cho ra mắt hệ thống chuỗi cửa hàng BigPhone. Cùng lúc mở rộng thị phần của mình khi quyết định mua lại và sáp nhập hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh. Kết hợp với thương hiệu Điện Máy Xanh của mình, TGDĐ từng bước trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng các sản phẩm điện máy tại nước ta.
Giấc mơ về một “đế chế” thực phẩm của Việt Nam
Nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng để thành công như hiện tại thì ắt hẳn ông Tài phải có sự hậu thuẫn từ gia đình rất nhiều. Nhưng thực tế, ông Tài sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Mẹ ông là người bán hàng rong với thu nhập không cao, để nuôi các con ăn học cũng là một thách thức rất lớn. Cùng bởi vì hoàn cảnh sống của mình, ông Tài đã luôn tự cổ vũ bản thân mình phải thoát nghèo, có được cuộc sống ổn định hơn. Vào khoảng thời gian năm 2009, khi chia sẻ về định hướng cách mạng hóa ngành công nghiệp điện thoại di động Việt Nam thì ai cũng cười nhạo và không quan tâm đến.
Thế nhưng, cho đến nay ông đã làm được những gì mà mình đã tuyên bố và sở hữu cho mình một công ty tỷ đô đứng đầu ngành. Như đã nói đến ở trên, “an phận” là điều không có trong từ điển của vị chủ tịch này. Không dừng lại ở ngành bán lẻ điện thoại di động, ông từng bước phát triển sang ngành cung ứng sản phẩm điện máy và thực phẩm. Nhìn nhận rõ tương lai phát triển của ngành bán lẻ tạp hóa tại thị trường Việt Nam và với chia sẻ rất nổi tiếng của mình “Đây không phải là câu hỏi về việc tôi có thành công hay không, mà là về việc sẽ mất bao lâu để tôi thành công”. Ông Tài đã cho ra mắt chuỗi hệ thống các cửa hàng thực phẩm chuyên cung ứng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng với tên gọi “Bách Hóa Xanh”.
Với cửa hàng đầu tiên được mở cửa vào năm 2014 tại TP.HCM, nhưng cho đến nay hệ thống Bách Hóa Xanh đã có đến 376 cửa hàng. Với giấc mơ ấm ủ về một “đế chế” của ngành thực phẩm, ông Tài đang đi lại con đường trước kia của mình. Khi các cửa hàng tạp hóa được hệ thống hóa chuyên nghiệp ở các nước phát triển đang rất phát triển, nhưng thị trường Việt Nam lại khá im ắng. Là một trong những đơn vị tiên phong, nên đương nhiên sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức lớn. Dù rằng, Bách Hoa Xanh vẫn chưa bước vào giai đoạn thực sự ổn định, đây cũng không phải là ngành công nghiệp “dễ thở”. Nhưng sự thành công chắn chắn sẽ luôn chờ đón ở phía trước, nhất là khi chủ tịch của TGDĐ chưa bao giờ bỏ cuộc hay nản chí.
Biến thách thức thành cơ hội phát triển trong đại dịch
Với những làn sóng ảnh hưởng liên tiếp từ đại dịch Covid-19, đã rất nhiều doanh nghiệp phải đứng trước bờ vực phá sản, cắt giảm nhân sự cho đến đóng cả loạt các cửa hàng của mình. Tuy nhiên, theo báo cáo doanh thu 5 tháng đầu năm 2021, TGDĐ vẫn tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận theo mục tiêu của mình. Riêng báo cáo doanh thu tháng 5/202, doanh thu thuần đạt hơn 11.380 tỷ đồng và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Về lý, khi các lệnh giãn cách được áp dụng người dân sẽ tập trung vào mua các sản phẩm thiếu yếu thay vì các mặt hàng xa xỉ. Như vậy, hai chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại và sản phẩm điện máy đáng ra sẽ phải giảm sút nghiêm trong.
Nhưng điều này lại hoàn toàn ngược lại, không chỉ giữ vững được “phong độ” mà doanh thu của ngành bán lẻ điện thoại của TGDĐ lại tăng trưởng vượt bậc. Thay vì tập trung vào việc duy trì mô hình kinh doanh, “chấp nhận” với thực tại thì TGDĐ đã biến thách thức thành cơ hội phát triển cực lớn trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Với những quan sát và nghiên cứu, đánh giá thị trường chính xác TGDĐ đang đầu tư mạnh tay hơn cho mảng kinh doanh online của mình. Không chỉ khai thác triệt để các website bán hàng của mình mà đơn vị này đã chính thức cho thương hiệu của mình “lên sàn”. Cùng hợp tác phát triển với những sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Tiki và Lazada chính thức từ ngày mùng 9/9/2021.
Nhận định rõ, dù website của Công ty đã phát triển rất mạnh nhưng vẫn chưa là đủ để có thể mở rộng khả năng thu hút khách hàng tiềm năng. Nhất là khi hành vi mua sắm của người tiêu dùng nước ta đã có nhiều sự thay đổi từ sau những ảnh hưởng từ làn sóng đại dịch Covid-19. Hơn thế, tiềm năng phát triển của mạng thương mại điện tử và đặc biệt là trên các sàn ở Việt Nam lúc này đang rất tốt. Nếu biết tận dụng hoàn toàn mở ra một cơ hội rất lớn cho TGDĐ không chỉ để đối phó với tình cảnh khó khăn lúc này.
Từ việc tập trung vào mảng kinh doanh online, không chỉ giúp các website thương mại điện tử đến từ “ông lớn” TGDĐ giữ vững được vị trí đầu bảng trong ngành điện tử mà còn đảm bảo về tốc độ tăng trưởng doanh thu theo chiến lược. Mặc dù, ở thời điểm ban đầu này, việc “lên sàn” vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm và không tránh được những sự thay đổi sau này. Nhưng điều này cũng cho chúng ta thấy được rằng, để tồn tại và đứng vững mọi doanh nghiệp đều cần phải linh hoạt và nhanh nhạy trước mọi biến đổi của thời cuộc. Thay đổi không chỉ là để tồn tại mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho chính mô hình của mình.
Sự thành công của Thế Giới Di Động luôn có đóng góp của rất nhiều người, là nỗ lực không ngừng nghỉ và ý chí quyết tâm không bỏ cuộc trước mọi khó khăn. Khởi nguồn là một ý tưởng rất đơn giản, nhưng nó lại được nuôi dưỡng từ chính “ngọn lửa” hiện đại hóa Việt Nam. Từng bước, từng bước đa dạng các mặt hàng kinh doanh của mình và đáp ứng nhu cầu tối ưu nhất cho người tiêu dùng Việt. Mang đến một không gian mua sắm giúp khách hàng có thể thoải mái, an tâm về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Tự làm nên tương lai của chính mình – Tuy vẫn cần thời gian để kiểm chứng, nhưng mô hình và chiến lược kinh doanh của TGDĐ đang dần xây dựng cho mình một “đế chế” riêng thực sự cho mình.