Văn hóa doanh nghiệp luôn được coi là “cái hồn” của cả một tập thể, là nét đẹp được xây dựng và gìn giữ trong suốt quá trình phát triển. Hay đúng hơn nó chính là tài sản vô hình của doanh nghiệp, là cái đích mà mọi nhà lãnh đạo đều mong muốn hướng đến, không ngừng củng cố và hoàn thiện mỗi ngày.
Một nhà lãnh đạo sáng suốt, tài ba không chỉ đưa ra những chiến lược kinh doanh, phát triển thành công mà còn phải xây dựng nên một nền tảng văn hóa với nhiều giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp của mình.
1/ Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Chúng ta thường đề cập đến rất nhiều về văn hóa doanh nghiệp, tuy nhiên liệu có bao nhiêu người có thể hiểu và giải đáp được chính xác về cụm từ này? Văn hóa doanh nghiệp là một trong những khái niệm hiện đại và trong đó bao gồm rất nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là toàn bộ những giá trị, niềm tin, cách nhận thức, hành xử được xây dựng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả nó được mọi người trong tập thể công nhận, suy nghĩ và thực hiện như một thói quen. Nó giống như những giá trị của đời sống tinh thần của mỗi một cá nhân, tạo nên sự khác biệt giữa các cá thể khác.
Nếu như khi tìm hiểu về khái niệm này, bạn có thể thấy có đến 300 định nghĩa khác nhau. Nhưng điểm chung khi nói về văn hóa doanh nghiệp thì đều đề cập đến những giá trị chi phối đến tình cảm, lối suy nghĩ và hành vi của mỗi một thành viên trong tập thể này. Cũng như văn hóa của một dân tộc, luôn là những giá trị thiêng liêng nhất nó tác động đến mọi mặt trong đời sống của chúng ta. Từ chính trị, kinh tế cho đến đời sống xã hội. Là cách để chúng ta nhìn nhận về bản sắc riêng biệt của mình, không trùng lặp, không nhầm lẫn. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp cũng là truyền thống riêng của một doanh nghiệp, là những giá trị mà bất kì nhà lãnh đạo cũng không ngừng xây dựng và gìn giữ.
2/ Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp không phải là những điều được hình thành trước hay sau mà nó được phát triển song song với quá trình xây dựng doanh nghiệp. Một cách ví von rất hay cho vấn đề này đó là, cơ sở vật chất là “phần xác” còn văn hóa chính là “phần hồn” của mọi doanh nghiệp. Trong một quốc gia, pháp luận và văn hóa xã hội được biết đến những công cụ điều chỉnh và quản lý hành vi của mỗi công dân. Như vậy, trong doanh nghiệp quy định và văn hóa cũng đảm nhận vị trí tương đương như vậy.
Một doanh nghiệp có văn hóa yếu kém, nhân viên không hiểu rõ, hiểu hết về văn hóa do bạn đặt ra chắc chắn sẽ không thể quản lý tốt được. Bởi đôi khi việc điều hành một quốc gia và điều hành một doanh nghiệp thực chất lại có những nét tương đồng. Ngược lại, nếu văn hóa doanh nghiệp mạnh, bám sát vào mục tiêu kinh doanh và được thể hiện rất rõ nét trong từng chiến lược sẽ tạo động lực phát triển rất lớn. Mang đến niềm tự hào cho mỗi một nhân viên, lãnh đạo cũng dễ dàng quản lý mọi thứ và thậm chí tạo ra những ưu thế cạnh tranh riêng cho mình.
Văn hóa doanh nghiệp còn có vai trò rất lớn khi tác động trực tiếp đến thái độ, tinh thần, phong cách làm việc, mục tiêu của mỗi một nhân viên. Nếu những giá trị này đều được mỗi cá nhân công nhận sẽ tạo nên một tập thể vững chắc, gắn bó và tin tưởng lẫn nhau, luôn cùng hướng đến những mục tiêu tạo lập của doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là cái đích mà mọi nhà lãnh đạo đều hướng đến, bởi tài sản tinh thần quyết định rất nhiều đến động lực phát triển và ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
3/ Lợi ích mà văn hóa doanh nghiệp mang lại
Có thể khi đứng từ góc độ của một nhân viên đi làm bạn sẽ rất khó để nhận ra rằng, văn hóa doanh nghiệp – những giá trị tinh thần này lại có vai trò lớn như thế nào. Bạn có thể coi những quy định trong giao tiếp, ứng xử,… đó chỉ đơn giản tạo nên một tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn. Thế nhưng có đến 94% giám đốc điều hành đều đã khẳng định rằng văn hóa doanh nghiệp có tác động rất lớn đến sự thành – bài của một doanh nghiệp. Bởi thực tế nó tác động đến rất nhiều vấn đề trong tập thể này cũng như mang đến những lợi ích mà không một ai có thể phủ nhận.
+ Văn hóa doanh nghiệp giúp thu hút nhân tài, ứng cử viên sáng giá: Số đông các chuyên gia tuyển dụng đều đồng tình rằng, doanh nghiệp có văn hóa mạnh bao giờ cũng thu hút được nhân tài và các ứng cử viên sáng giá. Điều này giúp công việc tuyển dụng cũng trở nên “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều. Chắc chắn không một ai muốn làm việc ở những nơi có danh tiếng không tốt về môi trường làm việc cả.
+ Văn hóa doanh nghiệp tạo ra các nhân viên trung thành: Lương cao chưa chắc đã đủ thu hút một người gắn bó, nhưng môi trường làm việc tốt – văn hóa công ty mạnh lại hoàn toàn có thể làm được điều này. Bởi ai cũng đều muốn đi làm trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ và nhất là khi điều kiện kinh tế của họ đã ổn định hơn so với những thời điểm mới đi làm.
+ Văn hóa doanh nghiệp giúp hạn chế xung đột nội bộ: Nếu có quá nhiều xung đột nội bộ và tần suất xảy ra nhiều, chắc chắn tâm trạng làm việc sẽ không thể thoải mái được. Nhưng văn hóa doanh nghiệp có thể hạn chế về điều này, khi đã có chung một hệ giá trị tinh thần. Mỗi nhân viên luôn có chung một sự thống nhất về cách nhận định vấn đề, giải quyết vấn đề cho mình.
+ Văn hóa doanh nghiệp giúp đẩy mạnh hiệu suất làm việc của nhân viên: Một môi trường làm việc tốt bao giờ cũng giúp tinh thần của mọi người thoải mái, phấn chấn và vui vẻ đi làm mỗi ngày. Từ đó, họ sẽ có tinh thần làm việc tốt nhất, tập trung nhất cho mình và tất nhiên hiệu suất làm việc từ đó cũng được nâng cao hơn.
Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp còn mang đến rất nhiều lợi ích khác như ưu thế cạnh tranh về nguồn lực, tạo bản sắc riêng cho doanh nghiệp – những giá trị nổi bật để phân biệt với các tập thể khác, là công cụ để triển khai chiến lược, tạo nên nguồn lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp,…
4/ Các cấp độ của văn hóa doanh nghiệp
Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp chính là những giá trị tinh thần và quan điểm riêng được hình thành, phát triển, củng cố mỗi ngày. Đó đều là những điều vô cùng quan trọng, mang tính chất tập thể nhưng không phải dành cho cả xã hội. Đơn giản, nó giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều cá nhân khác nhau. Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp cũng là “cái hồn” giúp điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mỗi một nhân viên, một thành viên trong tập thể này. Có thể nói rằng nó chính là chất keo kết dính mọi người lại cùng với nhau để xây dựng, để phát triển.
Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp cũng được phân tách thành các cấp độ phát triển khác nhau tạo thành một cấu trúc đặc biệt. Theo giáo sư Edgar Henry Schein, cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp sẽ được chia thành 3 cấp độ như sau:
1. Cơ cấu hữu hình của doanh nghiệp: Ở cấp độ này sẽ bao gồm những giá trị văn hóa thuộc về mặt hữu hình bao gồm những sự vật, sự việc mà mọi người có thể nhìn, nghe và cảm nhận được. Đây được coi là các yếu tố nền tảng, dễ thay đổi và không thể hiện được các giá trị nổi bật.
2. Các giá trị được tuyên bố/chấp nhận: Nó là những giá trị được doanh nghiệp công bố rộng rãi như một sự tuyên bố rõ ràng được thể hiện bằng các văn bản, cách diễn đạt cụ thể hoặc cách thể hiện ở mỗi một nhân viên. Những tuyên bố hay những giá trị đã được chấp nhân này sẽ tạo nên bản sắc riêng biệt cho doanh nghiệp.
3. Các quan niệm chung: Đây là cấp độ cuối cùng và cũng là khó nhất khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thậm chí nó rất khó để nhận ra vì ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, trở thành một thói quen và chi phối đến hành động của mọi người. Tất nhiên, các quan niệm chung cũng là điều rất khó để điều chỉnh.
5/ Các loại văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện song hành qua các giá trị hữu hình và vô hình từ những hoạt động truyền thống, đồng phục, nghi thức,… cho đến sự thống nhất trong suy nghĩ, quan điểm, thói quen,… Tạo nên những giá trị chung, bền chặt cho mỗi một cá nhân. Tuy nhiên, để xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp thực tế bạn sẽ không phải chịu dập khuôn trong một loại duy nhất. Xã hội ngày càng phát triển và kéo theo đó rất nhiều loại hình văn hóa doanh nghiệp được ra đời. Nhưng nhìn chung sẽ có 4 loại là phổ biến nhất như sau:
1. Văn hóa doanh nghiệp hợp tác: Tạo nên một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện và hòa đồng. Loại hình văn hóa doanh nghiệp này bao giờ cũng sẽ lấy con người làm mục tiêu để xây dựng và phát triển. Mọi giá trị đều được tập trung vào đối tượng trung tâm này.
2. Văn hóa doanh nghiệp sáng tạo: Hướng đến môi trường làm việc sáng tạo, tích cực và luôn khái thác ra những điều mới mẻ. Trong đó đề cao tính chủ động trong tinh thần làm việc của mỗi một nhân viên, biết chấp nhận thử thách và có thể giải quyết các vấn đề đảm nhận. Những doanh nghiệp này luôn truyền động lực cho nhân viên của mình với khao khát đứng động, khẳng định bản thân.
3. Văn hóa doanh nghiệp thị trường/kinh tế: Là loại hình văn hóa mà cấp trên là người đóng vai trò quyết định trong việc duy trì, triển khai văn hóa. Quyền lực ủy thác sẽ hoàn toàn dựa trên năng lực của họ, nội bộ doanh nghiệp sẽ tập trung toàn lực để hoàn thành công việc. Các quy trình xây dựng sẽ đều hướng đến việc hỗ trợ và năng cao năng suốt làm việc.
4. Văn hóa doanh nghiệp cạnh tranh: Bạn sẽ thấy được tính cạnh tranh được thể hiện rất rõ ngay trong ý thức ở loại hình này. Cạnh tranh để phát triển, cạnh tranh để đạt được mục tiêu, cạnh tranh để khẳng định được vị thế. Vì vậy mà, những lãnh đạo theo mô hình này sẽ chú trọng đưa ra những giá trị để nhân viên của mình có thể tập trung vào những yếu tố cũng như ưu thế cạnh tranh.
6/ Văn hóa doanh nghiệp có thể thay đổi không?
Đây có lẽ là câu hỏi khiến rất nhiều người phải băn khoẳn, bởi không phải ai bắt tay vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ thành công ngay lập tức. Chưa kể khi quy mô ngày một phát triển, có rất nhiều giá trị mà bạn đưa ra trước đấy có thể sẽ không còn phù hợp nữa. Vậy liệu rằng lúc này chúng ta có thể thay đổi, điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp hay không? Văn hóa doanh nghiệp giống như đời sống tinh thần của một người, nó được hình thành và phát triển theo thời gian. Khi đã đi sâu vào tâm thức của một người nó giống như kim chỉ nam quyết định trong mọi hành động.
Tuy rằng, trong các cấp độ của cấu trúc văn hóa doanh nghiệp có những điều rất khó để thay đổi nhưng không phải là không thể. Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp là những điều không thể và mãi mãi không thể thay đổi. Vì mọi thứ đều được xuất phát từ những giá trị dù là hữu hình hay vô hình nó đều được đã mọi người công nhận. Nhưng văn hóa doanh nghiệp vẫn có thể thay đổi khi bản thân nhà lãnh đạo cảm thấy nó không phù hợp nữa. Thay đổi ở đây không có nghĩa ở đổi mới 100%, đôi khi là sự cải thiện, “nâng cấp” lên để nhận được những kết quả tốt hơn trong tương lai.
7/ Chia sẻ 6 yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp thành công
Tầm nhìn
“Tầm nhìn là bức tranh trong tương lai bạn muốn tạo ra” đây là câu nói rất nổi tiếng Peter Senge. Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị sẽ tồn tài bền vững, nó không chỉ có ở trong quá khứ, hiện tại mà còn là cả những định hướng tương lai. Doanh nghiệp cần phải xác định được định hướng của mình là gì, mục tiêu của mình là gì từ đó mới có thể đưa ra những công việc mình cần phải tiến hành cụ thể, từng bước, từng bước một để hoàn thành. Tầm nhìn trong văn hóa doanh nghiệp cũng chính là kim chỉ nam cho mọi người hướng đến.
Giá trị
Như đã đề cập đến ở trên, bản chất của văn hóa doanh nghiệp chính là những giá trị riêng của doanh nghiệp được hình thành và xây dựng. Những giá trị này chính là thước đo để căn chỉnh cho các hành vi mà bạn tiến hành để đạt được mục tiêu đã đặt ra trong tầm nhìn. Giá trị đôi khi lại là những điều rất đơn giản nhưng được nhìn nhận dưới một góc độ đặc biệt hơn của nhà lãnh đạo. Nó sẽ góp phần tạo nên bản sắc mà chỉ doanh nghiệp bạn mới có được.
Thực tiễn
Các giá trị bạn đưa ra rất hào nhoáng, vĩ mô nhưng nó sẽ dần trở nên ít quan trọng hơn khi không được coi trọng ở thực tiễn. Ví dụ, doanh nghiệp đưa ra giá trị là con người là tài sản quý nhất, nhưng thực tiễn họ lại không đầu tư quá nhiều, trực tiếp vào các nhân viên của mình. Nhưng vậy, giá trị họ đã tuyên bố đơn giản chỉ mà một mớ lý thuyết mà thôi. Ngược lại, nếu họ tập trung vào đầu tư cho con người về mọi mặt trong thực tiễn thì giá trị này sẽ luôn được tôn vinh dù ở bất kì giai đoạn nào.
Con người
Con người luôn là nhân tố giúp xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp, đưa những giá trị ấy được hiện thức hóa, phát triển một cách liền mạch. Đây là lý do vì sao mọi doanh nghiệp đều muốn thu hút và tuyển dụng được những nhân tố có thể đảm nhận được những giá trị cốt lõi mà mình mong muốn hướng đến. Họ không đơn thuần chỉ là những người giỏi, năng lược chuyên môn tốt mà còn là những cá thể phù hợp với văn hóa chung của doanh nghiệp.
Sức mạnh của câu chuyện
Các bạn có thể thấy rằng, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và phát triển bền vững đôi khi lại đến từ chính những câu chuyện rất đơn giản, gần gũi mà có tính lan tỏa cao. Điển hình nhất chính là từ những câu chuyện rất hay, lôi cuốn từ Steve Jobs đã dần dần tạo dựng nên một thương hiệu thành công trên toàn thế giới – Apple. Những câu chuyện thực chất lại là yếu tố tác động và có thể tạo nên sức mạnh cho văn hóa của cả một doanh nghiệp. Bạn có thể thấy hầu hết những thương hiệu thành công hiện nay, họ có văn hóa mạnh và có cả những câu chuyện rất “mạnh”.
Môi trường làm việc “mở”
Môi trường làm việc chính là yếu tố trọng tâm trong sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp. Điều này quyết định rất nhiều đến cảm nhận, nhần thức, suy nghĩ và tác động đến hành vi của nhân viên. Không đơn giản chỉ cần thiết kế một không gian làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả mà bản thân “môi trường” ở đây còn phải giúp mỗi nhân viên cảm nhận được nhanh chóng những giá trị của doanh nghiệp. Thay vì một môi trường làm việc “đóng” thì các lãnh đạo cần hướng đến không gian làm việc “mở”. Điều này sẽ giúp mang lại những điều kiện thuận lợi trong sự phát triển văn hóa.
Tham khảo thêm: “Bắt bài” những nỗi đau của doanh nghiệp khi mới bắt đầu startup
8/ Xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
Từ khái niệm cho đến vai trò, chúng ta có thể ngầm hiểu rằng văn hóa là điều thiết yếu, là mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh tổng thể về doanh nghiệp. Chỉ khi xây dựng được văn hóa doanh nghiệp thì mọi thứ mới có thể trở nên rõ ràng hơn, nó không chỉ tác động đến tinh thần, thái độ mà còn là hiệu quả trong công việc. Lâu dần nó sẽ biến thành ưu thế giúp doanh nghiệp của bạn có thể cạnh tranh trên thị trường. Vậy làm sao để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp? 6 bước sau đây sẽ chỉ rõ cho bạn thấy mình cần phải làm những gì.
Bước 1: Đánh giá cụ thể văn hóa hiện tại của doanh nghiệp có thể trực tiếp từ việc khảo sát nhân viên hay đơn giản là từ mình quan sát, cảm nhận từ thực tế. Từ đó bạn sẽ biết được rằng mình có đang hướng đến những giá trị tốt không, những điều nào đang tạo nên ảnh hưởng xấu.
Bước 2: Từ việc đánh giá hãy xác định rõ ràng những gì mình mong muốn tạo dựng cho văn hóa doanh nghiệp trong tương lai. Có thể bắt đầu từ những điểm mạnh, điểm riêng để khai thác ra những giá trị thuộc về riêng mình.
Bước 3: Xác định những yếu tố quan trọng tạo nên văn hóa doanh nghiệp của mình, hãy đơn giản hóa mọi thứ thay vì dùng những từ ngữ quá hoa mỹ. Bạn có thể tìm kiếm những yếu tố này từ chính những câu hỏi quen thuộc như sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu dài hạn là gì? Mục tiêu kinh doanh có phù hợp với giá trị cá nhân?...
Bước 4: Hãy lên kế hoạch nhằm thu hẹp khoảng cách giữa văn hóa doanh nghiệp hiện tại và “hình mẫu lý tưởng” tương lại bạn đang hướng đến. Đừng vội thay đổi tất cả, vì điều này rất khó, bạn có thể thực hiện từng bước, từng bước một mà vẫn đạt được mục tiêu của mình.
Bước 5: Triển khai kế hoạch đã xây dựng của mình với các vấn đề quan trọng nhất cho đến cụ thể hóa. Đừng quên xây dựng một đơn vị riêng phụ trách vấn đề này giúp bạn quản lý, giám sát và điều chỉnh kịp thời.
Bước 6: Cũng giống như mọi kế hoạch kinh doanh, tiếp thị bước cuối cùng sẽ là đo lường hiệu quả của việc triển khai văn hóa doanh nghiệp. Nhà quản lý phải thường xuyên đo lường và đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Từ những giá trị tinh thần được thể hiện thông qua các yếu tố hữu hình và vô hình, văn hóa doanh nghiệp đã tạo nên sức mạnh cho cả một tập thể. Trong thời đại mới, những áp lực về cạnh tranh ngày một gia tăng thì đây chính là “vũ khí” để doanh nghiệp bạn có thể tồn tại và phát triển ngày một lớn mạnh. Với những nhà lãnh đạo sáng suốt, họ sẽ luôn hiểu rằng văn hóa doanh nghiệp là điều mình cần phải không ngừng củng cố và hoàn thiện mỗi ngày.